Thành công và dư âm của Hội thảo ICYREB 2017
ICYREB 2017 được đồng tổ chức bởi 10 trường Đại học thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh trên toàn quốc gồm: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Đây là những đơn vị có uy tín trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển gia tri thức khoa học kinh tế của Việt Nam.
ICYREB 2017 đã diễn ra vào sáng ngày 30/10/2017 tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội thảo vinh dự có sự góp mặt của 3 diễn giả chính đến từ 3 châu lục khác nhau: GS. TS. Eric D. Ramstetter - Giáo sư nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển Châu Á, Giáo sư kinh tế trường Đại học Kyushu (Nhật Bản) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Asian Economic Journal; GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Phó Viện trưởng Học viện Kinh doanh – IPAG Business School (Cộng hòa Pháp), xếp hạng 7/200 nhà kinh tế học trẻ xuất xắc nhất thế giới năm 2015, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và GS.TS. Sushil Sharma – Đại học Ball State (Hoa Kỳ), Tổng biên tập tạp chí Chief of The International Journal Of E-Adoption.
GS.TS. Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng tặng hoa cho các diễn giả chính
Năm nay, Hội thảo có chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” - một chủ đề thời sự và đầy tính thực tiễn khi các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần có những chiến lược phù hợp như chuyển dịch cơ cấu, mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để đón đầu các xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. ICRYREB năm nay sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận, xây dựng và trang bị hệ thống cơ sở lý luận, các giải pháp và đề xuất các hàm ý chính sách giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn trong kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV.
Đại diện lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các trường đồng tổ chức và 3 diễn giả chính tại hội thảo
Từ 130 bài báo nhận được từ các nhà khoa học, ban tổ chức đã chọn ra 70 đề tài trình bày tại các tiểu ban về Kế toán, Kinh tế, Marketing, Luật, Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Du lịch – thương mại – nguồn nhân lực. Khác với những năm trước, các nhà khoa học tham gia ICYREB năm nay sẽ trình bày công trình nghiên cứu của mình hoàn toàn bằng tiếng Anh và phiên trao đổi tại các tiểu ban cũng sẽ sôi nổi hơn với quyền chủ động phản biện từ các tác giả.
Ngoài các phiên thảo luận chính, các Trường thuộc khối ngành kinh tế và quản trị kinh doanh cũng sẽ có phiên hội nghị bàn tròn để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ công bố quốc tế và tăng cường hợp tác nghiên cứu liên trường trong công bố quốc tế.
Các nhà khoa học trẻ thể hiện sự sáng tạo tại hội thảo
Phiên thảo luận tại các tiểu ban ghi nhận không khí sôi nổi của các nhà khoa học trẻ với các đề tài nghiên cứu đa dạng trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Marketing, Du lịch, Quản trị nguồn nhân lực, Thương mại, Kinh doanh quốc tế và Luật.
Các nhà khoa học nghe phần trình bày của GS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc Học viện Kinh doanh Paris
Là diễn đàn để các nhà khoa học thảo luận, xây dựng và trang bị hệ thống cơ sở lý luận, các giải pháp và đề xuất các hàm ý chính sách giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt hơn trong kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV, ICYREB hội tụ các đề tài mang hơi thở thực tiễn như: Personalization in the age of Internet of things: implications for VietNamese enterprises, Industry 4.0 and innovative opportunities for logistics sector, the impacts of the 4th industrial revolution on Vietnamese businesses, Rethinking about Vietnam educational reform in the context of the fourth industrial revolution, Monetary policy and Inequaility in VietNam: implications for the industrial revolution 4.0…
Sushil Sharma (Giáo sư Hệ thống thông tin, Đại học Ball State)
Đặc biệt, phiên trình bày của 3 keynote speaker hàng đầu là một trong những điểm nhấn của ICYREB 2017, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học tham gia Hội thảo. Với đề tài: “Financial Development, Government Bond Returns, and Stability: International Evidence”, Giáo sư Nguyễn Đức Khương (Phó Giám đốc Học viện Kinh doanh Paris) đã mang đến góc nhìn mới về mối quan hệ giữa sự phát triển của #tài_chính với thị trường trái phiếu chính phủ. Kết quả nghiên cứu cho thấy giữa các nước phát triển và đang phát triển thì mức độ ảnh hưởng tài chính khác nhau trên những thị trường khác nhau. Đề tài là cơ sở tham khảo để chính phủ có những hoạch định sáng suốt về chính sách, tạo điều kiện cho các thành phần chủ thể kinh tế trong nền kinh tế được tham gia thị trường vốn một cách hiệu quả với đầy đủ các thông tin tài chính. Công trình nghiên cứu của Giáo sư Sushil Sharma (Giáo sư Hệ thống thông tin, Đại học Ball State) cho thấy các hướng áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật mới vào các trường đại học nói riêng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp nói chung, từ đó đề xuất các phương hướng giúp họ vượt qua những thử thách trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Trình bày về tầm quan trọng của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nền kinh tế, Giáo sư Eric. Ramstetter (Tổng biên tập Tạp chí Asian Economic Journal), đã tập trung phân tích về sự lan tỏa sản phẩm từ các công ty đa quốc gia, tập đoàn nước ngoài và vấn đề bảo hộ thương mại tại Việt Nam.
Giáo sư Eric. Ramstetter (Tổng biên tập Tạp chí Asian Economic Journal)
Các phiên trình bày, thảo luận tại các session diễn ra cũng rất sôi nổi
Best paper awards và công bố đơn vị đăng cai tiếp theo
Sau gần 6 tiếng diễn ra sôi nổi, Hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ đã khép lại với phần trao giải cho 3 bài báo xuất sắc nhất.
“Best_paper_awards” của ICYREB 2017 gọi tên các đề tài:
- “Finance – Growth nexus in Developing countries: threshold or not” - Bui Thanh Trung, Nguyen Thi Thanh Van, Le Thi Thuy Hang (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh)
- Purchase intention towards green products selling at supermarkets in Ho Chi Minh city, VietNam – Nguyen Tuan Duong, Le Huu Phuoc, Nguyen Huynh Ngoc Tram (Đại học Ngoại Thương)
- The impact of FDI on quality of enviroment – Empricial analysis for six ASEAN countries” - Le Thi Hong Minh, Hoang Thi Phuong Anh, Tran Nguyen Dan, Tran Thi Anh Thu – (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh)
PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao giải cho bài báo xuất sắc
ICYREB 2017 đã diễn ra thành công, sức hút mạnh mẽ của Hội thảo thể hiện qua số lượng các nhà khoa học trẻ đã đăng ký tham gia lần này. Bằng kinh nghiệm đúc kết từ nhiều lần đăng cai các Hội thảo khoa học quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ với các đối tác nước ngoài, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã hoàn thành trọn vẹn vai trò của đơn vị đăng cai. Công tác tổ chức chỉn chu cùng việc tạo ra một môi trường trao đổi học thuật chuẩn quốc tế, khuyến khích sự phản biện của người tham gia, ICYREB 2017 thực sự đã tạo ra không gian lý tưởng để các nhà khoa học trẻ thỏa sức thể hiện đam mê, sự sáng tạo và khám phá tri thức. Rất nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng và được đánh giá cao đã được trình bày tại Hội thảo lần này. Những ý kiến đóng góp tại các phiên thảo luận chính là cơ sở để các tác giả tiếp tục hoàn thiện đề tài và đưa đứa con tinh thần của mình vươn xa hơn nữa tại các hội thảo, tạp chí khoa học đẳng cấp trong và ngoài nước.
Tại lễ bế mạc, ban tổ chức đã công bố đơn vị đăng cai ICYREB năm tiếp theo là Học viện tài chính. Chủ đề của ICYREB 2018 là: “Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo quốc gia thành công hơn nữa”. PGS.TS Phạm Văn Liên – Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã có phần giới thiệu về đơn vị cũng như bày tỏ quyết tâm tổ chức một mùa ICYREB thành công hơn nữa.
Toàn văn Kỷ yếu Hội thảo: ICYRED 2017 part 1
ICYRED 2017 part 2