Hội thảo Khoa học Quốc gia Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần 2
Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm đại diện từ 3 đơn vị đồng tổ chức. Về phía Trường Đại học Hà Nội có TS. Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng, TS. Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng. Đại diện từ Trường Đại học Thương mại có PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng và PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng. Đại diện từ Học viện Chính sách và Phát triển có TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện. Ngoài ra, đại biểu tham dự bao gồm lãnh đạo các Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội, Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Thương mại và Khoa Kinh tế số thuộc học viện Chính sách và Phát triển cùng các Viện, Phòng của ba đơn vị đồng tổ chức, các báo cáo viên; các giảng viên; nhà quản lý các tổ chức doanh nghiệp; nghiên cứu sinh; học viên cao học và sinh viên đến từ ba đơn vị.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo không chỉ ứng dụng trong giảng dạy mà còn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học giữa giảng viên và sinh viên, tăng cường sự gắn kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hội thảo diễn ra với 01 phiên toàn thể và 03 phiên song song.
Phiên toàn thể gồm hai báo cáo mời của GS. TS. David (Đức) Trần và PGS.TS. Nguyễn Việt Anh. GS David (Đức) Trần hiện là Giáo sư ngành Khoa học máy tính tại Đại học Masachusettes ở Boston, chuyên gia về chuyển đổi số và công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Giáo sư David Trần, chia sẻ về ứng dụng của công nghệ chuối khối trong các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ chuỗi khối trong chuyển đổi số. Khi sử dụng hệ thống tự động thì các cá nhân, doanh nghiệp có thể kiểm tra và minh mạch thông tin trong quá khứ thông qua hệ thống.
PGS. TS. Nguyễn Việt Anh – Viện Khoa học Máy tính, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS. TS. Việt Anh nghiên cứu về trí tuệ nhận tạo, dữ liệu lớn và các hệ thống thông minh.
Báo cáo của PGS. TS Nguyễn Việt Anh tại Hội thảo đề cập đến trí tuệ nhân tạo và tương lai của nền kinh tế, các ứng dụng của AI trong các lĩnh vực y tế, xã hội, kinh tế, với tỷ trọng ngày ngày càng tăng. PGS nhấn mạnh “Người thắng cuộc là người làm chủ được các nguồn dữ liệu lớn, làm cho sản suất và cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn qua trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác”.
Phiên song song thứ nhất do PGS. TS. Đào Thị Thanh Bình, Phó Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội làm chủ tọa, với 4 báo cáo từ 3 trường. Các nghiên cứu liên quan tới chủ đề “Phân tích định lượng nghiên cứu kinh doanh, kinh tế xã hội trong môi trường số” bao gồm: Nghiên cứu các cấu phần tạo nên hiệu quả của doanh nghiệp sử dụng phương pháp phân tách phương sai; Các nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin trách nhiệm xã hội; Hiệu suất hoạt động và cấu trúc tài chính, sử dụng phương pháp phân tích số liệu đa hợp; Cũng như vấn đề độc lập của ngân hàng trung ương với lạm phát tại Việt Nam. Dữ liệu trong các nghiên cứu này trải từ dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu bảng hỏi, đến dữ liệu sơ cấp trên bộ dữ liệu doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê và dữ liệu từ các công ty chứng khoán của doanh nghiệp niêm yết.
Phiên song song thứ hai do TS. Phan Thanh Tùng - Trưởng Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Thương mại làm chủ tọa, với các báo cáo liên quan tới chủ đề “Phân tích định lượng: kỹ năng cần thiết cho nhân lực ngành kinh tế số” bao gồm: Đào tạo nhân lực ngành Kinh tế số; Đánh giá sự hài lòng khách hàng về cổng thanh toán, sử dụng mô hình SEM; So sánh các chỉ tiêu đo lường kinh tế số tại Việt Nam và một số nước trên thế giới; Các nhân tố ảnh hưởng tính kịp thời của báo cáo kiểm toán của các ngân hàng tại Việt Nam. Phiên 2 ngoài phương pháp nghiên cứu định lượng còn sử dụng kết hợp nghiên cứu định tính, tổng hợp.
Phiên song song thứ ba do TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển làm chủ tọa, với các báo cáo liên quan tới chủ đề “Ứng dụng của Công nghệ trong quản trị và phân tích dữ liệu lớn cho kinh tế và kinh doanh”: Doanh nghiệp báo cáo về việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn cho các hoạt động kinh doanh; Phân loại doanh nghiệp theo các tình trạng ngừng hoạt động, xác sống và mạnh khỏe; Xây dựng mô hình phân khúc khách hàng bằng RFM và thuật toán K-Means; và Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới tỷ suất sinh lời trên tài sản: mô hình hồi quydữ liệu mảng.
Sau gần 4 giờ làm việc tập trung và hiệu quả, 14 báo cáo trong Hội thảo được đánh giá là có giá trị về nội dung học thuật, đa dạng hóa các công cụ mô hình và có ý nghĩa thực tiễn. Các bài báo cáo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm giúp các nhà khoa học phát triển những hướng nghiên cứu tiếp theo.
Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển đã thay mặt Ban chủ tọa tổng kết, tuyên bố bế mạc Hội thảo cũng như nồng nhiệt tiếp nhận tổ chức Hội thảo lần 3 tại Học viện.
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp đã tạo ra một diễn đàn trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức từ các nhà khoa học, giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc hơn giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp các nhà hoạch định chính sách và quản trị doanh nghiệp có thêm thông tin để đưa ra các chính sách phù hợp. Đồng thời, Hội thảo mang lại những cơ hội hợp tác tiếp theo giữa Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Học viện Chính sách và Phát triển và các đơn vị khác