Hội nghị khoa học về “Kỹ năng công bố bài báo khoa học quốc tế”
Tại buổi hội nghị này, Nhà Trường đã mời diễn giả là GS.TS. Antonio Lobo, ĐH Swinburne, Australia trình bày tham luận về kinh nghiệm và kỹ năng công bố bài báo khoa học quốc tế. GS. Antonio Lobo hiện là Giám đốc Nghiên cứu của Trường Kinh doanh Swinburne - Australia; là chuyên gia về lĩnh vực Marketing và Logistics/Supply Chain; đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu quốc tế, là thành viên ban biên tập của một số tạp chí quốc tế thuộc danh mục ABDC; đã công bố 36 bài báo trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/SCOPUS trong đó có 1 bài báo đạt giải thưởng Bài báo của năm – do nhà xuất bản nổi tiếng Emerald trao tặng.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại đánh giá: “... trong những năm gần đây, Trường Đại học Thương mại đã triển khai nhiều chính sách và quy định nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH (như thành lập các nhóm nghiên cứu, tính giờ quy đổi KHCN, khen thưởng công bố khoa học quốc tế,…). Các chủ trương khuyến khích hoạt động NCKH của Trường đã góp phần nâng cao chất lượng và số lượng của các kết quả NCKH trong những năm gần đây. Trong đó, có thể kể đến công bố khoa học của trường Đại học Thương mại trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI, SCOPUS. Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ NCKH của Trường, số lượng công bố khoa học quốc tế trên vẫn còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan cần thẳng thắn thừa nhận phương pháp và kỹ năng công bố bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế của đội ngũ cán bộ NCKH còn yếu.”
PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan phát biểu khai mạc hội nghị
PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Loan tặng quà lưu niệm cho GS.TS. Antonio Lobo
Trong bài tham luận, GS.TS. Antonio Lobo đã giới thiệu các kinh nghiệm thực tế và thú vị trong NCKH, viết bài báo, gửi bài báo đến các tạp chí khoa học và trả lời ý kiến phản biện. Trong đó, các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến khả năng được tạp chí chấp nhận đăng bài báo gồm: (i) chọn đề tài nghiên cứu, (ii) đánh giá đóng góp của bài báo, (iii) trình bày nội dung bài báo, (iv) giải trình ý kiến phản biện. Với các ví dụ minh họa gần gũi, thú vị và khái quát vấn đề, GS.TS. Antonio Lobo đã trình bày các nguyên nhân chính của việc một tạp chí khoa học từ chối đăng một bài báo. Từ đó, giúp cho các nhà khoa học hoàn thiện hơn các kỹ năng nghiên cứu và viết bài báo khoa học của cá nhân. GS.TS. Antonio Lobo cũng dành thời gian chia sẻ với các cán bộ, giảng viên trường Đại học Thương mại về quy trình viết và công bố một bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, SCOPUS và giải đáp một số câu hỏi mà các giảng viên nêu ra.
Một kinh nghiệm mà GS chia sẻ là việc quốc tế hóa các bài viết thông qua kết hợp với những tác giả quốc tế, đây cũng là một cách làm tăng chất lượng cũng như xác xuất được đăng bài báo ở các tạp chí quốc tế. Vấn đề này tất nhiên còn phụ thuộc vào những mối quan hệ của tác giả, tuy nhiên, về phía trường có thể tăng cường điều này thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, tạo nhiều cơ hội để các giảng viên có thể tham gia vào các diễn đàn nghiên cứu quốc tế và hợp tác thực hiện các nghiên cứu.
GS.TS. Antonio Lobo chia sẻ kinh nghiệm về quy trình viết và công bố một bài báo khoa học
Buổi hội nghị này nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực và hiệu quả nhằm nâng cao năng lực NCKH nói chung và năng lực công bố bài báo quốc tế nói riêng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thương mại.